Việt Nam sẽ đứng đâu trong chiến lược Trung Quốc ?

Việt Nam sẽ đứng đâu trong chiến lược Trung Quốc + 1?

TheLEADERViệt Nam sẽ chuẩn bị chiến lược, chiến thuật gì trước làn sóng Trung Quốc + 1, một xu thế kinh tế đã khuynh đảo toàn cầu suốt 2 thập niên.

Chuyên gia chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hoà.

Việt Nam chọn hướng phát triển như thế nào hậu Covid-19 và chiến lược nào có thể biến rủi ro, khủng hoảng thành cơ hội, thành thời cơ thứ 3 cho Việt Nam bật lên sau những lần bỏ lỡ cơ hội bắt kịp thế giới sau các cuộc khủng hoảng?

Hàng loạt bài toán hóc búa đang bủa vây các nhà chính sách và chiến lược kinh tế vĩ mô.

Vì sao Việt Nam lại không thể thu hút được các dự án FDI lớn và có giá trị gia tăng cao? 

Dưới góc độ văn hóa, xã hội, kinh tế, thì chính phủ cần phải nhìn nhận làn sóng FDI này như thế nào cho xác đáng, kể cả các dự án của Trung Quốc lẫn các khối Mỹ và châu Âu đang hấp dẫn chào mời?

Trong các bối rối đó, điều tiên quyết Việt Nam phải biết rõ chúng ta là ai?

Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực” (trích hồi ký Singapore Story của Lý Quang Diệu).

Bạn và tôi hãy khắc cốt ghi tâm và hãy nhớ thật kỹ câu nói trên, nó không hề tô hồng, ngoại giao và sáo rỗng - vốn không phải là phong cách của một lãnh tụ như ông Lý Quang Diệu. Ông thật sự đánh giá rất cao đất nước và con người Việt Nam.

Nhưng chúng ta không thể lạc quan hão huyền vì con đường vươn lên phía trước đó sẽ chẳng dễ dàng mà lắm chông gai. 

Vì phải luôn ý thức được rằng chúng ta đang hội nhập trong bối cảnh một thế giới thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh khốc liệt, như chính lời nhắc nhở của ông Lý Quang Diệu: “Thế giới đang thay đổi, môi trường sống thay đổi, lối sống con người thay đổi. Các nước đang nỗ lực phát triển và sự soán ngôi lẫn nhau diễn ra thường xuyên liên tục. Nước nào đứng yên là bị tụt hậu lập tức. Cạnh tranh là sống còn, nhưng cạnh tranh như thế nào? Hãy chọn đúng lĩnh vực mình có thể cạnh tranh”.

Chính lời khẳng định này đã luôn thôi thúc tôi nghiên cứu và viết rất nhiều nội dung “Định vị Việt Nam để vuơn lên” nhằm xác định các điểm trội mà vị Thủ tướng Singapore đã nói: Vị thế nổi trội vốn có của Việt Nam và con đường phát triển phù hợp cho đất nước bước vào giai đoạn hội nhập mới, đặc biệt về vai trò của giới trẻ Việt Nam.

Trước tiên là việc chính sách đối ngoại phải định vị lại vị trí trung tâm vùng Đông Nam Á lẫn Đông Á của Việt Nam về các mặt địa - chính trị, kinh tế - văn hóa. 

Tiếp đó là nêu rõ nội dung “quốc gia khởi nghiệp”, qua việc rút tỉa các bài học thành công từ Israel, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…, cùng lúc phân tích các thế mạnh tiềm năng của chính chúng ta gồm công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch, vai trò trung chuyển logistics…

Rèn luyện một chữ HÒA trong chiến lược Trung Quốc + 1

Vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam đã đặt đất nước chúng ta vào những bất lợi của lịch sử mà cụ thể là các cuộc xung đột triền miên và dai dẳng với các thế lực quốc tế hùng mạnh, nhưng tôi tin rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”. 

Khi có cơ hội đi lại nhiều và nhìn thấy kinh nghiệm công tác ở khắp nơi, so sánh giữa các nền văn hóa, con người của nhiều quốc gia, tôi nhận thấy Việt Nam có những thuận lợi lớn của một nền văn hóa nằm ở “ngã ba đường” mà không phải ai cũng có được.

So sánh với các nước trong vùng mà tôi đã gặp qua, khi mở cửa ra thế giới, Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi.

Chúng ta tiếp thu căn bản của tinh hoa văn hóa phương Tây đã được người Pháp truyền đạt vào Việt Nam rất sớm. Chữ viết Việt Nam ngày nay sử dụng mẫu tự La-tinh giúp dễ tiếp cận và giao tiếp với phương Tây, thuận lợi hơn rất nhiều so với các “thổ ngữ” của Thái Lan, Ấn Độ và kể cả Trung Quốc. 

Một thực tế có thật là ngày nay nhiều chuyên gia phương Tây từ Pháp, Mỹ, đều rất thích đến làm việc tại Việt Nam và dễ dàng hòa nhập với con người và văn hóa Việt hơn các dân tộc khác.

Người Nhật Bản vốn là một dân tộc rất đặc trưng trong cung cách ứng xử và văn hóa công việc, đang đặt rất nhiều kỳ vọng trong việc hợp tác với Việt Nam. Cứ nhìn vào số lượng lớn các dự án đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm gần đây có thể cho ta một niềm tin về sự hợp tác tốt đẹp với cường quốc Châu Á này. 

Tôi thì cho rằng người Nhật sở dĩ có nhiều thiện cảm với chúng ta là do rất trân trọng truyền thống anh hùng và ý chí của nhân dân Việt Nam qua các cuộc chiến tranh giữ nước.

Các nước ASEAN từ nhiều năm nay đã xem Việt Nam là một thành viên quan trọng trong vùng và vị trí chiến luợc về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở bản đồ Đông Nam Á càng làm tăng thêm tầm ảnh hưởng của chúng ta. 

Bản chất người Việt Nam lại rất dễ hòa nhập và linh động với nhiều đối tác khác nhau, nhất là nếu biết học tập các giá trị về chất lượng dịch vụ cao, năng động trong quản lý kinh doanh, công-thương nghiệp từ các đảo quốc lân cận như Hong Kong, Singapore, đồng thời dựa trên nền tảng khá dồi dào của nguồn nhân lực, tài nguyên bản địa thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một tương lai sáng sủa không hề thua kém bạn bè trong khu vực.

Vấn đề lớn cuối cùng vẫn là mối quan hệ với Trung Quốc. Qua các bài học về mở cửa sớm ra với phương Tây, chiến lược bùng nổ sản lượng và phát triển đón đầu công nghệ trong mấy thập niên qua, có lẽ nào Việt Nam vẫn sẽ luôn là cái bóng, mãi đi sau người bạn lớn Trung Quốc nếu không tạo được đột biến đặc biệt. 

Tôi cho rằng việc giải quyết được thành công các mối quan hệ với Trung Quốc trên mọi lãnh vực: Chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, mậu dịch… chính là biết rèn luyện một chữ HÒA trên những yếu tố quyết định cho chiến lược phát triển của Việt Nam.

Chúng ta phải biết phát huy và hợp tác được với những thành tựu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời cần tránh những bài học xương máu từ thất bại của họ. Quan trọng nhất là phải có những định hướng chiến lược riêng, mà chỉ với đặc thù của Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao. Đó là những đặc thù của riêng chúng ta mà Trung Quốc và các quốc gia khác không có được.

Trung Quốc sẽ là “bạn hay thù”, nên “cương hay nhu” là bài toán khó theo từng thời điểm, tuy nhiên nếu tỉnh táo nhìn lại lịch sử thì mối quan hệ hữu cơ giữa hai quốc gia lân cận nhau là không thể tránh khỏi về kinh tế, chính trị và xã hội.

Lời giải thật ra không ở bên ngoài mà nằm ở chính nội lực Việt Nam chúng ta. Khi ta yếu họ sẽ lấn tới, khi ta mạnh họ sẽ lùi và dè chừng. Phải làm cho chính chúng ta mạnh lên trước đã. Biết xây dựng một chữ HÒA để tập trung nội lực phát triển kinh tế, dân giàu, nước sẽ mạnh trong 10 năm tới. 

Tôi cho rằng Việt Nam nếu tận dụng được cơ hội của mình sẽ hoàn toàn có thể vừa làm bạn hàng, vừa cạnh tranh với lánh giềng hùng mạnh để tạo một đà tăng trưởng GDP tương đương 9 ~ 10%, khi so với sự chững lại của Trung Quốc sau 2 thập niên tăng trưởng liên tục từ 13 ~ 15% GDP – sẽ thấy cơ hội Việt Nam thời hậu Covid-19 là có thật.

Phân tích chữ HÒA của những bậc tiền nhân, cụ Nguyễn Khắc Mai – Viện trưởng Viện Minh Triết từng viết: “Bài học của các cụ từ trăm năm về trước thể hiện rất rõ cái triết lý của Á đông: “Quân tử hòa nhi bất đồng”. Đó cũng là bài học của những tri thức chân chính dẫu có bất đồng nhưng lại luôn biết hòa hợp. Quan sát trong lịch sử ở bất cứ nơi nào và thời nào nếu bài học chữ HÒA không được nhận thức, làm theo sẽ thấy kinh tế thì nghèo khó, văn hóa trì trệ, nhân cách suy đồi.

Học tập cho đặng cái minh triết về chữ HÒA, thể hiện nó trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo… trong khối người Việt trong và ngoài nước, trong xây dựng quan hệ quốc tế… chính là một việc đáng làm, cần làm của chúng ta trong thời hiện đại. 

Một thế kỷ mà người Việt bắt đầu tỉnh ngộ để biết hòa giải với thiên nhiên và với chính mình, biết ứng dụng phạm trù HÒA để phát triển, đoàn tụ, hiện đại hóa và chấn hưng dân tộc, ra biển lớn hòa nhập với thiên hạ”.

Đi lại rất nhiều trên toàn cầu, tôi đã nhìn thấy ở đây đó trong nhiều năm qua, những cơ hội lớn của thương hiệu Việt Nam là thông qua các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh (bằng nhiều hình thức liên doanh, liên kết). 

Phải đẩy mạnh ưu đãi để thu hút đầu tư FDI - để giới thiệu được những sản phẩm Việt mang tính tiêu chuẩn hóa và toàn cầu hóa cao, những hệ thống chất lượng Việt hiệu quả, đáng tin cậy, những dịch vụ hậu mãi Việt rất thoáng, linh động và thật sự đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết.

Những thương hiệu Việt Nam như thế cần biết tập trung vào các thế mạnh của mình, vào những ngành công nghiệp 4.0 có kỹ năng lao động và công nghệ cao - cũng là cách quảng bá cho hình ảnh chất lượng tích cực của thương hiệu Việt Nam, sản phẩm chất lượng tốt, có tính thẩm mỹ cao kèm theo nhiều dịch vụ linh động với những nhân viên vừa cầu tiến, vừa dễ mến, biết làm vừa lòng khách hàng và luôn có những giải pháp thông minh trong mọi tình huống khác nhau.

Kết thúc bài viết này, tôi lại nghĩ về một chữ HÒA khác của nhà văn Nguyễn Quang Lập viết tặng cho thầy tôi và Karate Nghĩa Dũng. Nó rất đáng suy ngẫm, trong những ngày tháng mà vấn đề chủ quyền đang dễ gây nóng máu giới trí thức còn nặng lòng với đất nước…

“Chữ HOÀ có được khi người ta đủ khí và lực, sự tự tin giúp người ta từ chối mọi trò diễu võ dương oai, thoái thác mọi xung đột chỉ vì sự hơn thua con nít, dẹp bỏ luôn thứ bạo lực vì thói hiếu thắng quê mùa sinh ra từ sự thiếu tự tin và sợ hãi. 

Theo đó học trò đủ khí và lực là có chữ HOÀ, từ đó sẽ không có nạn bạo lực học đường. Người dân đủ khí và lực là có chữ HOÀ, từ đó sẽ không có cái ác hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm.

Dân tộc có khí và lực là có chữ HOÀ, từ đó sẽ bảo toàn cương thổ trước muôn vàn trò chọc phá doạ nạt hung hăng của cường địch. Có chữ HOÀ thì mọi trò hèn hạ, bán nước cầu vinh cũng chẳng còn có đất dung thân”.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa.

Để lại bình luận