Bạn có biết, Nhật Bản áp dụng quy trình phân loại rác vào loại chặt chẽ nhất thế giới? Gần đây, mọi người xôn xao trước những bức ảnh nước lũ tại Nhật Bản trong hơn cả nước hồ bơi. Bạn có biết nguyên nhân vì sao không? Đó là bởi vì đất nước Nhật Bản “quá sạch so với quy định”.
Một trong những nguyên nhân đưa Nhật Bản thành đất nước sạch sẽ có tiếng đến từ quy trình phân loại rác thải chặt chẽ đến nỗi khiến những người chưa quen sẽ "phát điên" để có thể nhớ hết. Quy trình này như thế nào? Hãy cùng đến với bài viết dưới đây để có câu trả lời
Từ quy trình phân loại rác nghiêm ngặt…
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, rác được phân ra làm hai loại: tái chế và không thể tái chế. Còn tại Nhật Bản lại được phân chia tới 4 loại rác chính: rác cháy được, rác không cháy được, rác ngoại cỡ và loại cuối cùng bao gồm các chai lọ thủy tinh, vỏ lon.
Cụ thể, rác có thể đốt cháy bao gồm các loại rác nhà bếp như rau, củ, thịt cá...; rác giấy như giấy vệ sinh, tã giấy, giấy gói thực phẩm hay lọ đựng bằng nhựa vinyl, lọ đựng xà phòng... Ngoài ra, gỗ, cao su, da và các sản phẩm quần áo cũ cũng được coi là rác cháy được.
Rác không cháy được: đó là những vật dụng bằng nhựa dài: như ống nhựa, dây nhựa, băng cát-set hoặc băng video… hay các chai lọ bằng nhựa, vật dụng bằng sứ, kim loại, thủy tinh vỡ, nhựa PVC...
Rác ngoại cỡ - được cho là các vật dụng như chạn để cốc chén, kệ sách, sofa, máy hút bụi, xe đạp…. Bên cạnh đó, những món đồ chơi có kích cỡ lớn hơn 50cm cũng được coi là rác ngoại cỡ.
Quạt, tủ, bàn ghế, máy hút bụi... được xếp vào rác ngoại cỡ. Chai lọ, vỏ lon: gồm những loại vỏ nhôm, thiếc, chai lọ thủy tinh.
Và những quy định bắt buộc "ai cũng phải tuân theo"
Tuy nhiên, nếu tất cả chỉ có như vậy thì đây không còn là một trong những quy trình phân loại rác phức tạp bậc nhất thế giới nữa. Người Nhật sẽ còn phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt khác trong quá trình xử lý rác.
Đầu tiên, đối với rác cháy được, người dân bắt buộc phải bỏ vào trong túi và buộc lại. Các loại rác nhà bếp đều phải vắt sạch nước, bọc giấy báo rồi mới được phép cho vào túi rác.
Gỗ vụn, cành cây trong vườn phải được cắt ngắn với kích cỡ nhỏ hơn 50cm. Ngoài ra, các loại giấy vụn bỏ đi thì chỉ cần buộc lại, không cho vào túi nhưng không được phép vứt vào ngày trời mưa.
Tiếp theo là rác không cháy được. Các loại rác không cháy được phải được đựng trong các túi nhựa trong suốt. Các vỏ chai nhựa rỗng phải được tháo nắp, gỡ mác, rồi cho vào một túi riêng biệt.
Trong đó các chai làm bằng nhựa PET (Polyethylene terephthalate) còn phải được rửa sạch và giẫm bẹp trước khi cho vào túi. Phần nhãn mác và nắp chai sẽ được phân vào loại "rác cháy được".
Chai nhựa sẽ được gỡ hết mác và nắp chai. Khi muốn bỏ các loại rác ngoại cỡ như giường, tủ, quạt... bạn sẽ cần gọi điện trước đến để thông báo với công ty xử lý rác thải và phải tốn một khoản phí từ 1.600 yên đến trên 5.000 yên Nhật (khoảng 300.000 đến gần 1 triệu đồng).
Khi muốn bỏ các loại rác ngoại cỡ như giường, tủ, quạt... bạn sẽ cần gọi điện trước đến để thông báo với công ty xử lý rác thải và phải tốn một khoản phí từ 1.600 yên đến trên 5.000 yên Nhật (khoảng 300.000 đến gần 1 triệu đồng).
Rác ngoại cỡ sẽ không được thu gom tại Nhật. Nếu muốn vứt rác ngoại cỡ, bạn cần phải gọi cho các công ty xử lý rác và chịu mất một khoản phí kha khá. Còn đối với các loại chai thủy tinh, vỏ hộp nhôm, thiếc, người dân phải vứt vào thùng rác. Các loại lọ xịt có hóa chất độc hại cần phải đục lỗ để thoát hơi và làm sạch. Các loại rác độc hại như pin, nhiệt kế vỡ... phải được bỏ trong túi bóng, có dán bên ngoài chữ "Yugai gomi - rác có hại".
Thế nhưng trên đây vẫn chỉ là những bước rất "cơ bản" về quá trình vứt rác tại Nhật. Bên cạnh đó, người dân còn phải nhớ lịch trình thu rác, vì các loại rác sẽ được thu gom vào những ngày khác nhau.
Vào đầu năm, các trạm trung chuyển rác sẽ phát cho mỗi gia đình mà họ phụ trách vệ sinh một tờ lịch treo tường. Trong tờ lịch này ghi rõ, mỗi ngày gom và vận chuyển loại rác nào, tuần nào chỉ thu giấy, tuần nào thu rác có thể đốt.
Có những loại rác được thu gom hàng tuần nhưng cũng có loại 2 tuần mới được "dọn sạch" một lần. Đặc biệt hơn, có loại rác phải chờ một tháng hay một năm sau mới được loại bỏ khỏi nhà và thời hạn để những loại rác quá khổ được thu gom là khoảng 2 lần/năm.
Túi rác được mua trong siêu thị có các màu riêng để phân loại rác. Không chỉ vậy, mỗi khu vực sẽ có quy định riêng về túi rác sử dụng, trong đó phần lớn sẽ yêu cầu loại được mua trong siêu thị, có màu sắc quy định.
Ví dụ các loại rác đốt được sẽ được bỏ vào túi vàng, rác không đốt được là túi xanh. Nếu không tuân thủ, túi rác của bạn sẽ bị trả về kèm theo một chiếc “vé xấu hổ” để nhắc nhở.
Bên cạnh đó, ngay cả cách phân loại rác cũng sẽ khác biệt tùy theo điều kiện môi trường, dân số của từng vùng. Thậm chí như thị trấn Kakimatsu ở Shikoku còn chia rác ra làm... 44 loại khác nhau.
Tại sao Nhật Bản lại đưa ra bảng phân loại rác có phần cần rắc rối như vậy?
Nhật Bản thực chất đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong việc xử lí rác. Vấn đề lớn nhất là thiếu đất để chôn rác. Kể từ thập niên 60 của thế kỉ XX, Nhật Bản đã nhận ra rằng với dân số ngày càng đông và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng lên, nếu không tìm ra giải pháp giải quyết rác thải thì sớm muộn Nhật Bản sẽ phải sống trong bể rác.
Đúng như vậy, ý thức giữ gìn vệ sinh của người Nhật Bản rất cao. Trên thực tế, đường phố tại Nhật Bản có rất ít các thùng rác công cộng, chủ yếu chỉ có tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa... thế nhưng rác lại không hề xuất hiện trên đường phố.
Đối với người Nhật, hành vi xả rác là không hề văn minh, và họ thậm chí đã tập cho mình thói quen mang theo một chiếc túi để luôn bỏ rác của mình vào đó.