Những bài học quan trọng đúc kết được khi sống và làm việc tại Nhật

1. Luôn luôn trả ơn, vì bất cứ điều gì!

     Bạn sẽ sớm rút ra bài học là không phải lúc nào ta cũng chỉ nhận sự giúp đỡ, hãy biết đáp lại. Càng sớm càng tốt. Hãy nhớ lại những lần bạn định viết thư cảm ơn rồi quên bẵng, mấy tấm thiệp sinh nhật mua sẵn nhưng không bao giờ gửi, những việc như vậy không nên xảy ra ở Nhật, trả ơn là điều tối quan trọng nếu bạn muốn có những mối quan hệ tốt đẹp nơi đây.

    Mặt khác, việc đền đáp người khác tại Nhật cũng dễ dàng hơn vì bạn có nhiều lựa chọn hơn. Khi ai đó giúp bạn việc gì, như là khiêng cái ghế sofa mới vào nhà chẳng hạn, chỉ cần mua lon nước ngọt từ máy bán hàng tự động mời họ là đủ để họ biết lòng cảm kích của bạn rồi. Hầu như mọi việc bạn làm giúp ai đó đều sẽ được đền đáp bằng một hành động tử tế sau đó mà không cần nhiều lời giải thích.

2. Nhớ cảm ơn vào lần gặp kế tiếp

    Không chỉ thế, người Nhật luôn ghi nhớ việc cảm ơn người khác trong lần gặp gỡ kế tiếp. Nghe thì có vẻ khách sáo, nhưng sau khi giúp bạn làm gì đó, chắc chắn người giúp sẽ thấy vui khi bạn mở lời: “À, cảm ơn anh đã khiêng giúp cái sofa hôm bữa”. Đó là sự tử tế.

3. Phép lịch sự không chỉ là nói “làm ơn” hay “cảm ơn”

     Phép lịch sự rất phổ biến trong văn hóa Nhật Bản và thậm chí nó ăn sâu vào trong cách người Nhật giao tiếp (thể hiện qua kính ngữ), hay khi một nhân viên bán hàng giúp xách đồ và tiễn bạn ra tận cửa, hay như cách bạn được chào đón khi bước vào nhà hàng.

    Khi bạn cần hỏi đường, hoặc là bạn sẽ nhận được tấm bản đồ vẽ tay rất chi tiết hoặc thậm chí có những chủ tiệm sẵn sàng nghỉ tay chốc lát và đích thân dẫn bạn đi cho tới khi chắc chắn bạn đi đúng hướng. Phép lịch sự ở Nhật đồng nghĩa với bớt tính toán về lợi ích cá nhân, vượt qua những giới hạn cá nhân vì người khác và chấm dứt ý nghĩ: “Tôi sẽ được lợi gì?” 


 

4. Ưu tiên người khác

      Cách hay nhất để cho ai đó thấy tầm quan trọng của họ đối với bạn là ưu tiên họ. Bạn bè nhường nhau phần bánh lớn hơn, con nhường mẹ chỗ ngồi đẹp hơn khi đi nhà hàng, hoặc chủ nhường khách đứng vào giữa tấm hình v.v… là những cử chỉ thường thấy trong đời sống của người Nhật.
     Trong mỗi gia đình truyền thống Nhật Bản đều có 1 chỗ ngồi trang trọng dành riêng cho khách – vị trí ngay phía trước Tokonoma – không gian nhỏ xây lõm vào tường dành cho trưng bày nghệ thuật – với ý nghĩa đặt khách vào không gian tươi đẹp, được tôn vinh bởi những tác phẩm nghệ thuật truyền thống (cuốn thư hoạ, bình cắm hoa nghệ thuật, đồ gốm v.v…) Còn nữa, sao không làm gì đó khiến người khác cảm thấy đặc biệt nhỉ? Bạn vừa mua chút quà ngọt từ tiệm bánh? Hãy mua thêm 1 phần nữa mang tặng hàng xóm hay bạn bè, họ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của bạn. Ở Nhật có vô vàn cách để thắt chặt những mối quan hệ chỉ bằng những hành động nhỏ như vậy.

5. Luôn quy tụ TẤT CẢ các thành viên trong 1 tập thể

     Ở Nhật, hãy đảm bảo bạn mời tất cả mọi người, bao gồm cả những người bạn không thích. Sẽ không có chuyện bạn chỉ đi uống bia cùng bạn của mình, hay là rủ 1 vài người đồng nghiệp đi chơi, bởi vì người Nhật chẳng ai cảm thấy gượng gạo khi họ vẫn nán lại dù không được bạn mời đi “tăng 2” đâu.

     Tất cả những ai hiện diện cũng đều có mặt trong tấm hình chụp chung mà không ai bận tâm xem người này có phải họ hàng của tôi không, hay bạn bè, hay thậm chí có quen ai không. Việc quây quần tất cả dạy chúng ta biết đón nhận mọi người và biết chấp nhận những những người khác biệt với mình.

6. Tôn trọng tài sản

     Trong tiếng Anh chúng ta có câu “Finder’s keepers, losers weepers” tạm dịch là nhặt được của rơi tạm thời đút túi. Nhưng không có chuyện đó xảy ra ở Nhật đâu nhé, tại đây, bạn không lấy những gì không phải của bạn. Nếu ai đó làm rơi chiếc khăn tay trên lề đường, người nhìn thấy sẽ mang nó tới điểm tập kết đồ thất lạc gần nhất giúp người bị mất tiện bề nhận lại. Và đơn giản, chỉ vì món đồ đó không khóa, không có nghĩa là bạn được lấy nó. Hãy cảm thấy xấu hổ!

7. Nhậu nhẹt không nhất thiết phải dẫn tới bạo lực

     Dù chỉ là khách du lịch tới Nhật, bạn cũng có thể nhận thấy rất nhiều người có công việc với thu nhập ổn định vẫn nhậu xỉn la liệt trên phố vào ban đêm, thỉnh thoảng cả ban ngày. Nhưng họ không bao giờ gây gổ. Những vụ xô xát nơi quán bar là rất hiếm và đa số dân Nhật khi nhậu xỉn đều vui cười phớ lớ, hoặc là chết giấc 1 mạch tới hôm sau tỉnh dậy và nhậu tiếp. Cứ nhậu rồi xỉn, nhưng trong hòa bình.

8. Hòa bình là 1 lựa chọn

     Tại Nhật, thời buổi này trẻ em được giáo dục từ rất sớm rằng bạo lực là sai trái và chiến tranh là không cần thiết. Sự hòa hiếu được ươm mầm thông qua giáo dục, qua những lễ tưởng niệm hằng năm và qua văn kiện số 9 (về việc từ bỏ quyền tham chiến hoặc duy trì quân đội) của hiến pháp Nhật Bản.

9. Đôi khi sự kiểm soát của chính phủ thực sự, thực sự là một điều rất tốt!

    Một hệ thống tàu hoả hàng đầu thế giới (và cả hệ thống giao thông công cộng nói chung), một trong những hệ thống bưu chính tốt nhất thế giới (ngày nay hoạt động với một phần tư sở hữu tư nhân khi Japan Post được tư nhân hoá) cùng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao nhưng không hề đắt là những ví dụ điển hình cho những gì chính phủ Nhật Bản đã làm được. Đến mức, rất khó tưởng tượng những đơn vị tư nhân có thể làm tốt hơn như thế.

10. Hiền hoà là tính cách được ưa chuộng

     Xã hội Nhật là một xã hội lịch thiệp và hoà nhã. Không ai than vãn khi phải đứng xếp hàng lâu, không có nạn phóng nhanh vượt ẩu. Không ai lớn tiếng, không ai thở dài, không có những ánh mắt lấm lét hay cái nhìn khiêu khích. Người Nhật giỏi chịu đựng và dường như họ thực sự tận hưởng lối sống bình thản, nhẹ tênh này.

    Những người làm kinh doanh thường tuân thủ luật lệ nên đừng mong họ phá lệ với bạn. Bạn sẽ không có lý do nào chính đáng khi nổi nóng với nhân viên bán hàng hay tức tối bước ra chỉ vì điều khoản của họ không vừa ý bạn.

11. Học cách lắng nghe nhiều hơn

     Người Nhật giao tiếp nhỏ nhẹ. Họ thường nhút nhát, khiêm tốn và nhẫn nhịn. Họ sẽ để người khác nói hết rồi mới lên tiếng. Họ là những người biết lắng nghe!

    Cho người khác cơ hội bộc lộ quan điểm trọn vẹn, không bị cắt ngang, là rất quan trọng vì đó là lúc họ được cởi mở chia sẻ và chúng ta lắng nghe. Chúng ta sẽ bớt phán xét khi chúng ta tìm hiểu từ góc nhìn của người khác. Khi chúng ta ngừng tranh cãi, thay vào đó là thảo luận, tự khắc chúng ta sẽ hạ thấp giọng và không ai lấn lướt ai trong cuộc hội thoại nữa.
Người Nhật còn đánh giá cao sự im lặng, họ tôn trọng những khoảng lặng xen giữa cuộc trò chuyện.

12. Hãy giảm bớt tư tưởng tự hào dân tộc

     Bạn hãy ngưng ngay cái việc thổi kèn khen lớn quê hương của mình, thực sự thì, ai chẳng giấu trong mình một niềm tự hào dân tộc lớn lao, và cho rằng nơi mình sinh ra là một đất nước “được của nó”. Thế nhưng, sẽ chẳng mất nhiều thời gian sống giữa lòng cộng đồng đa sắc tộc đến từ khắp nơi trên thế giới tại một đất nước có cực nhiều thứ đáng trân trọng như Nhật Bản để bạn nhận ra rằng, bạn không hề được sinh ra tại “đất nước tuyệt vời nhất thế giới”. (Điều số 12 này mình nghĩ là dành riêng cho các bạn expat đến từ những nước cực phát triển như Mỹ, Canada, Anh hay Úc, những người có tư tưởng phổ biến rằng đất nước họ tốt hơn bất cứ đất nước nào khác trên thế giới – ND).

13. Ganbaru – Làm hết sức!

     Không phải tự nhiên mà ta không thể tìm một từ có nghĩa tương đương trong tiếng Anh hay tiếng Việt để có thể dịch từ Ganbaru này: bởi vì hầu hết chúng ta đều nhanh chóng bỏ cuộc đối với một công việc yêu cầu nhiều thời gian, tiền bạc hay công sức hơn chúng ta đã dự tính. Ở Nhật thì ngược lại, người ta trông đợi nhau cố gắng tới cùng, chỉ với một kì vọng duy nhất rằng bạn đã cố gắng hết sức mình. Nước Nhật thấm nhuần tư tưởng “Ganbaru” vì tất cả mọi người đều làm như vậy.

14. Cam kết là điều quan trọng

     Chúng ta học được rằng khi người Nhật nói họ sẽ làm gì đó, họ thực sự có ý như thế. Và họ cũng sẽ không quên! Khi họ được mời tới một sự kiện, họ cảm thấy có nghĩa vụ phải tham dự. Nếu họ nhận lời thì chắc chắn họ sẽ có mặt dù trời có mưa như trút. Họ không chấp nhận hành động “xù kèo” – vì thế hãy gọi đến trước để thông báo sự vắng mặt của mình hay nhờ người khác đi giùm.

15. Học trở thành một công dân tử tế

     Tại 1 trận bóng đá trong khuôn khổ World Cup 2014 tại Brazil, người Nhật được tiếng thơm vì họ tự dọn sạch rác nơi họ ngồi. Nếu đã có dịp ghé thăm Nhật Bản, bạn sẽ chẳng lấy làm lạ vì người Nhật luôn tự dọn dẹp những gì họ bày ra. Kể cả sau bữa tiệc ngắm hoa anh đào tưng bừng trong công viên, sẽ không có cái ly nhựa hay nắp lon bia nào bị bỏ lại cả.

     Khi mở tiệc tại gia, bạn có thể nhờ mọi người cùng giúp mình dọn dẹp, thậm chí rửa chén đĩa trước khi họ ra về. Người Nhật thậm chí còn quét dọn vỉa hè bên ngoài cửa hiệu của mình mỗi ngày và cùng tham gia dọn dẹp khu phố họ sống. Họ thậm chí còn dọn giùm người khác dù đó chẳng phải trách nhiệm của mình.

16. Sự thanh lịch, nho nhã

     Nếu chỉ dùng 1 từ để tả người Nhật, tôi chọn từ “thanh lịch”. Mọi tầng lớp xã hội đều hành xử lịch thiệp như nhau, từ việc cúi chào để tỏ lòng kính trọng, chỉ hướng bằng cả bàn tay chứ không dùng 1 ngón trỏ. Dù nhỏ nhặt như đưa đồ bằng cả 2 tay, ăn mặc chỉn chu, hay cười tươi khi chào hỏi, tất cả đều xuất phát từ sự nho nhã, thanh lịch, sự tôn kính và tinh tế.

17. Đúng giờ

      Một trong những câu trả lời phổ biến nhất từ nhóm bạn đóng góp nội dung cho danh sách những bài học thay đổi cuộc đời rút ra tại Nhật là tầm quan trọng của việc đúng giờ. Nó không chỉ bày tỏ sư tôn trọng người bạn hẹn mà còn làm mọi thứ hoạt động chắc chắn hơn và hiệu quả hơn nữa.

 

Để lại bình luận