Ăn sushi khi còn ấm bằng tay, vừa ăn vừa uống rượu sake... là những nguyên tắc bạn phải tuân thủ khi bước vào quán ăn đặc biệt này.
Yajima Sushi là quán ăn khá nổi tiếng ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) không chỉ bởi hương vị mà còn là những nguyên tắc khắt khe mà ít người biết. Thực khách một khi đã bước chân vào quán thì phải tuân thủ quy tắc ở đây, nếu không sẽ bị từ chối phục vụ.
Tác giả Tom Downey miêu tả bữa ăn của mình ở nhà hàng giống như một "cuộc bắt cóc", phải răm rắp nghe theo lời của vị đầu bếp Susumu Yajima với những quy luật kỳ quặc. Nhưng quả thực điều này khiến bữa ăn của ông trở nên thú vị hơn rất nhiều. Tom Downey đã trở lại quán nhiều lần tới mức thấy mình như mắc hội chứng nghiện.
Chủ quán Susumu Yajima và các món sushi cầu kỳ của mình.
Dưới đây là 10 nguyên tắc Tom Downey ghi lại sau khi thưởng thức sushi ở quán.
Đầu bếp lý giải: "Sushi là món ăn nhanh, nhanh đến mức bạn phải đứng mà ăn. Chỉ đến thập niên 1950, khi Thế vận hội mùa Hè tổ chức ở Tokyo, người ta mới bắt đầu có thói quen ngồi ăn sushi. Lý do là hồi xưa sushi được bán trên phố trong các gian hàng vỉa hè yatai nên không có chỗ ngồi, vì thế phải ăn nhanh. Nhưng bây giờ cũng chẳng còn yatai, nhưng bạn vẫn phải ăn sushi thật nhanh vì lý do sức khỏe”.
Sushi là món ăn nhiều cơm nên rất no bụng, vì thế thời điểm thích hợp nhất để thưởng thức là vào buổi trưa. Nhà hàng vẫn bán sushi vào buổi tối nhưng giảm một nửa lượng cơm trong khẩu phần sushi.
Các thành phần để làm nên miếng sushi không chỉ ngon, đẹp mà còn rất thơm. Nên sẽ thật uổng phí nếu chỉ bỏ miếng sushi lọt thỏm vào miệng, nhai ngấu nhiến rồi nuốt chửng.
Đầu bếp Yajima lý giải: “Ở những nhà hàng sushi lớn, mùi thơm của cá biển mất rất nhanh bởi trần nhà cao quá. Muốn ăn ngon thì bạn nên chọn những nơi trần thấp như quán của tôi, chúng giữ hương vị món ăn rất lâu”.
Sushi là thứ đồ ăn rất mỏng manh, dùng đũa sẽ khiến chúng bị rơi vãi. Ăn sushi không chỉ là nhai và ngửi mà còn là ngắm nhìn hình thù xinh đẹp của nó. Vì thế, bạn nên dùng tay để nâng niu và cảm nhận nó trọn vẹn. Mặt khác, ăn bằng tay sẽ giúp bạn đưa vào miệng nhanh hơn, gọn gàng hơn”.
Sushi ngon một phần lớn là nhờ dùng cơm nóng thay vì cơm nguội. Bạn hãy thưởng thức ngay chúng vào thời điểm tinh tế nhất. Các nhà hàng sushi đúng điệu không bao giờ phục vụ nhiều miếng sushi cùng lúc vì sợ chúng sẽ nguội. Họ sẽ phục vụ từng chút một.
Khâu cuối cùng trước khi đưa sushi cho khách hàng, ông Yajima quét một lớp nước sốt có màu nâu đậm bằng một chiếc chổi lông nhỏ. Thứ nước sốt này được gọi là Nikiri. Nước sốt gồm 70% là xì dầu, 20% rượu mirin và 10% là sake, phải đun sôi cho bay hơi cồn cho đến khi sánh lại là được. Ông không bao giờ dùng xì dầu nguyên chất làm nước sốt vì vị nó quá mạnh. Bạn chớ nên yêu cầu đầu bếp không được quết nước sốt và wasabi lên món sushi.
Sự kết hợp giữa sushi và sake thực sự rất tuyệt vời. Đầu bếp khuyên rằng hãy nhai miếng sushi chầm chậm, đừng nuốt chửng, để hương vị của món ăn lan tỏa trong miệng rồi nhấp một ngụm rượu sake trước khi cho nốt phần còn lại vào miệng.
Thưởng thức sushi là cả một nghệ thuật, bạn không nên vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói chuyện sẽ bị sao lãng, không cảm nhận được trọn vẹn miếng ngon. Một khi miếng sushi đã bưng ra trước mặt, hãy tập trung vào việc ăn mà thôi.
"Sushi là tinh túy, là nghệ thuật và còn là cả một nét văn hóa. Người làm ra sushi cũng có những nguyên tắc riêng của mình như những nghệ sĩ phục vụ các đối tượng khán giả khác nhau. Một khi đã quán của tôi, bạn hãy tuân theo nguyên tắc nói trên, nếu không, tôi sẽ từ chối phục vụ", đầu bếp Yajima cho biết.